
Ừ thì mới! Nghe như chuyện người con gái theo chồng về xứ lạ. Có chạnh lòng, có nghẹn giọng, nhưng tình yêu là sự chọn lựa. Ai chẳng mong một đời no đủ, an yên? Mà đổi thay há chẳng phải là bước ra khỏi lũy tre làng để cùng dựng xây một tương lai sáng hơn cho quê mình?
Tôi nhớ chị bạn miệt vườn sông nước Cửu Long, lấy chồng tận xứ Đất Mũi. Ngày cưới, má chị khóc ròng vì con gái đi xa, còn chị thì cứ mỗi lần có thư, điện thoại từ nhà, có người ghé thăm mang theo món quà quê, là nước mắt lại rưng rưng. Nhưng rồi cũng quen, quen con nước lớn ròng, quen phiên chợ sớm mai, quen cả vị ngọt mặn của dòng sông. Dần dà, chị thôi khóc, vì tình yêu gia đình chồng đủ lớn để xoa dịu nỗi nhớ quê nhà; bởi lẽ khi lòng đủ đầy thương mến, đất nào cũng thành quê hương.
Nay nghe tin nhập xã, gộp tỉnh, lòng tôi lại nhớ đến chị, nhớ cả những người bạn cũ giờ làm ăn tận miền Đông, miền Trung, thậm chí sang Nhật, sang Hàn. Ban đầu ai cũng thấy xa nhà là cực, là nhớ. Nhớ tiếng gà gáy, nhớ hàng me đầu xóm, nhớ mùi bánh chuối hấp, vị nước cốt dừa, nhớ cả tiếng rao nơi hẻm nhỏ. Nhưng rồi họ sống được, bám rễ được, nhờ những điều tưởng như rất nhỏ: Một câu chào đồng hương, một cái nắm tay người cùng tỉnh, một cuộc họp mặt đồng hương mừng năm mới. Người đi xa thường tìm nhau, kết nối bằng hai tiếng “quê mình”. Có người đi xa hơn nữa, chỉ cần gặp đồng bào chung quốc gia, cũng thấy như gặp người nhà.
Ấy vậy mà, khi nghe sáp nhập vài xã thành một xã lớn, hai ba tỉnh chung một tên gọi, lòng người lại rưng rức. Có lẽ vì tên gọi mới chưa kịp quen, còn cái tên cũ đã gắn bó cả đời người, là nơi để nhớ về, cho dù người ta có đi xa đến đâu. Những ai từng vác đá đắp đê, từng khai khẩn ruộng hoang, từng nghe ông bà kể chuyện Nguyễn Ánh bôn tẩu qua kênh Chắc Băng, từng nhớ chuyện Triệu Vỹ Mỹ Lan, từng tắm mình trên dòng sông Trèm Trẹm, từng ăn con cá đồng, nếm vị nước Đầm Thị Tường,... làm sao quên được? Ký ức ấy là máu thịt, là phần hồn không thể tách rời khỏi người quê.
Nhưng ta không sống chỉ để hoài niệm mà sống để tiếp nối. Tên quê hương có thể đổi, con đò sáng sớm đã thay bằng cầu bê tông nhưng bến nước xưa vẫn còn đó. Ngôi đình vẫn đỏ cờ mỗi dịp Tết đến. Gốc mận, bụi chuối, bụi tre vẫn chờn vờn lối về. Dòng sông Maspero mỗi mùa lễ Oóc-Om-Bóc vẫn ngân vang tiếng trống hội đua ghe Ngo. Người ta vẫn ăn cơm với con cá đồng, vẫn bón ruộng bằng phù sa, vẫn kể cho nhau nghe chuyện “hồi đó”. Vậy thì quê có thật sự mất đâu?
Tên gọi hành chính là sự sắp xếp để quản lý thuận tiện hơn, chứ không thể thay thế ký ức, không thể làm nhạt đi tình quê, chất người. Quê là nơi in dấu chân cha ông, là hơi thở mẹ ru, là giọng nói miền Tây đậm đà, là tình người nghĩa xóm. Mà những thứ đó thì không thể nhập vào đâu được. Chỉ có thể giữ trong lòng như giữ ngọn lửa bếp nhà.
Tôi từng đi miệt Cù Lao Dung, Tắc Sậy, kênh Vĩnh Tế, sông Hậu, núi Sam, núi Cấm... Mỗi nơi đều mang một sử tích mở cõi phương Nam. Giờ đây, dù có đổi tên gọi, gộp đơn vị hành chính, thì hồn đất vẫn còn đó. Giống như một con người có thể đổi họ, đổi tên, nhưng cốt cách không hề thay đổi. Có người lo rằng nhập tỉnh, nhập xã sẽ mất gốc, mất nếp. Tôi không nghĩ vậy. Cái mất không nằm ở tên gọi, mà nằm ở cách sống. Nếu sống chân phương, trọng nghĩa trọng tình, thì dù xã nhập, tỉnh đổi, quê vẫn nguyên lành. Ta có thể dạy con cháu về dòng họ, về địa danh xưa, phong tục cũ, kể cho chúng nghe về con đò ngang, cây cầu khỉ, bến nước đầu làng như một thứ di sản truyền đời.
Sáp nhập không phải là xóa bỏ, mà là hợp nhất để mạnh hơn, vững hơn. Như cánh cò bay giữa đồng không cần biên giới hành chính để nhận ra đâu là tổ. Như giọng hò cất lên giữa mùa lũ không cần biết tên gọi xã này xã kia, chỉ cần có nhau là thành xóm làng. Sáp nhập để đường thông hơn, để y tế - giáo dục quy hoạch bài bản hơn, để công nghiệp - nông nghiệp - du lịch gắn kết mạnh hơn, thì hà cớ gì ta không vui? Điều quan trọng là cách ta nhìn sự đổi thay ấy. Nếu coi là mất mát, ta sẽ buồn. Nhưng nếu xem là khởi đầu, ta sẽ có thêm hy vọng. Chỉ cần giữ được tấm lòng, lòng yêu quê, yêu nước thì mọi biến động thời cuộc đều là bước đệm cho những điều tốt đẹp hơn.
Ngày mai, bản đồ hành chính sẽ khác xưa. Nhưng bản đồ trong tim ta vẫn còn nguyên lối mòn đất đỏ, con rạch nhỏ bờ lau, vẫn còn tiếng mẹ gọi đò trên bến nước tuổi thơ. Tên gọi miền quê có thể thay, nhưng những gì gắn liền với ký ức mái nhà, giọng nói, bữa cơm chiều, cánh đồng gió lộng thì vẫn còn đó, như tro ấm trong bếp, như khói chiều quấn quýt mái hiên quê nhà.
Người ta nói: “Đi là để trở về”. Vậy thì nhập tỉnh, nhập xã cũng là để cả một vùng quê có dịp quay về với nhau, cùng ngồi lại bên nhau, nối những dòng sông nhỏ thành một dải đất lớn, mạnh mẽ hơn, ấm áp hơn. Miễn sao còn giữ được hồn cốt thì quê, dù đổi tên bao lần, vẫn là nơi ta thuộc về. Như cây lúa dù có chuyển sang giống mới, thân cao, lá rộng, thì vẫn nhú lên từ chính lòng đất cũ, nơi cha ông từng đổ mồ hôi, nơi người quê từng nương vào nhau mà sống.