.jpg)
Dưới mái Trường Đại học FPT Phân hiệu Cần Thơ, sinh viên không chỉ học các môn chuyên ngành, mà còn được trang bị kiến thức lý luận chính trị, kỹ năng mềm và năng lực công dân toàn cầu. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Khải, Giảng viên lý luận chính trị, môn Kỹ năng mềm, cho biết: “Việc giáo dục nhận thức về tình hình đất nước, những đổi thay từ thể chế, chính sách đến môi trường xã hội là một nội dung xuyên suốt trong chương trình học và hoạt động trải nghiệm của sinh viên. Chúng tôi không hướng sinh viên đến cảm xúc nhất thời, mà là kiến tạo tư duy gắn bó lâu dài. Khi nắm bắt được những chuyển biến của đất nước có hệ thống, giúp các em tự tin trong lựa chọn nghề nghiệp và trở thành hạt nhân lan tỏa tinh thần tích cực, nhất là trong phản bác các thông tin xuyên tạc, chia rẽ thế hệ trẻ với Đảng và Nhà nước”.
Điều đó, lý giải vì sao, khi đối mặt với các thông tin liên quan đến chủ trương sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính một đề tài phức tạp và dễ gây hoang mang nhưng sinh viên FPT không chỉ lắng nghe, mà còn chủ động tìm hiểu, phân tích để từ đó củng cố lòng tin vào con đường đổi mới. “Lúc đầu nghe tin tỉnh Sóc Trăng sáp nhập về thành phố Cần Thơ, tôi có chút băn khoăn. Nhưng càng tìm hiểu, tôi càng thấy rõ tên gọi có thể thay đổi, nhưng ký ức và bản sắc văn hóa dân tộc thì không mất đi”, chị Trần Huỳnh Diễm Trinh, sinh viên năm cuối, ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ, quê ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ. Không ít người nghĩ rằng, sinh viên là lứa tuổi bận rộn với học tập, nghiên cứu chuyên ngành, ít để tâm đến những vấn đề đất nước, xã hội như chính sách công, cải cách hành chính, tinh giản, tinh gọn bộ máy. Nhưng thực tế, thế hệ trẻ hôm nay rất quan tâm và hơn thế, chủ động tìm hiểu. “Tôi thấy trách nhiệm của mình không phải là né tránh những câu hỏi khó, mà là nghiên cứu để hiểu rõ vì sao đất nước mình cần thay đổi. Từ đó, tôi có thể giải thích rõ ràng hơn cho bạn bè, du khách quốc tế khi họ hỏi về tình hình Việt Nam. Hiểu rõ để không bị dẫn dắt, đó là cách tôi tự trang bị cho mình khỏi thông tin sai lệch”, anh Trần Tuấn Anh, sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ Anh, chia sẻ.
Chị Trần Thị Nhã Trúc, sinh viên năm cuối ngành Quản trị du lịch và lữ hành, quê Hòn Đất (Kiên Giang) cũng từng băn khoăn khi nghe tin tỉnh nhà đổi tên, sáp nhập. Nhưng Trúc nhận ra rằng, điều quan trọng không phải là giữ tên hành chính, mà là giữ được chất địa phương, văn hóa, phong tục. “Tôi học ngành du lịch, luôn muốn hướng dẫn khách đến quê mình như một Việt Nam thu nhỏ (tỉnh An Giang mới): Có đồng bằng, biển đảo, biên giới, núi rừng. Tôi tin rằng nếu mình hiểu rõ vùng đất, thì dù tên gọi hành chính có thay đổi, bản sắc và sự tự hào vẫn sẽ được truyền đi nguyên vẹn”. Điều đáng quý là từ tâm lý cá nhân hoang mang, lo lắng, hầu hết sinh viên đã chuyển hóa thành tầm nhìn, lựa chọn ngành học không chỉ để “dễ xin việc” mà còn để “truyền cảm hứng, truyền giá trị”, chị Nhã Trúc tâm sự.
Thế hệ sinh viên hiện nay là những người trẻ dám thể hiện, dám dấn thân, dám bứt phá với tư duy phản biện mạnh mẽ. Điều quan trọng là họ cần được tiếp thêm năng lượng chính thống từ nhà trường, thầy cô và các thiết chế xã hội. Tuổi trẻ là tương lai của mỗi quốc gia, là lớp kế thừa, tiếp nối những giá trị truyền thống và phát triển đất nước thịnh vượng. Trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã không ngừng khẳng định vai trò tiên phong, từ đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc đến xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội. Trách nhiệm của tuổi trẻ không chỉ ở việc thực hiện các nhiệm vụ trước mắt mà còn là sự chuẩn bị cho tương lai đất nước. Trong thời đại toàn cầu hóa, sự phát triển của mỗi quốc gia không chỉ phụ thuộc vào kinh tế, mà còn dựa vào năng lực và tinh thần trách nhiệm của thế hệ tri thức trẻ. Vì vậy, việc giới trẻ nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với quốc gia là điều vô cùng cần thiết.
Trước đổi mới mang tính tất yếu, thế hệ trí thức trẻ hôm nay không chỉ là người quan sát, họ đang chuẩn bị tinh thần, chọn nghề và hành động để góp phần viết tiếp hành trình phát triển đất nước. Với niềm tin được nuôi dưỡng từ sự hiểu biết và trải nghiệm, thế hệ trí thức trẻ như sinh viên Trường Đại học FPT đang bước ra từ giảng đường không chỉ với tấm bằng, mà với một tâm thế của người công dân có lý trí, có cảm xúc, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc.