
Hồi nhỏ, tôi từng nghĩ “rau tập tàng” là thứ rau dành cho nhà nghèo. Mà đúng là vậy thiệt. Rau tập tàng đâu phải loại rau được người ta nâng niu, trồng tỉa. Nó không có tên gọi đàng hoàng như cải xanh, cải ngọt, cải thìa hay xà lách. Nó là tập hợp của mấy loại rau: Nào là rau sam, rau má, rau dền cơm, rau đắng, đọt nhãn lồng, mồng tơi, bình bát dây,… Nó mọc chen chúc bên bờ mương, dưới mấy gốc cam, gốc bưởi hay ven rạch phía sau nhà. Chỗ nào còn chút ẩm, chút đất là tụi mọc lên xanh mơn mởn, cứ như không biết mỏi mệt. Má tôi thường nói: “Mấy cái rau tập tàng này là lộc trời, chịu khó hái thì có món canh ngọt hơn thịt cá”. Tôi nghe mà bán tín bán nghi. Nhưng mỗi lần má luộc một nồi rau dền cơm non với mớ đọt nhãn lồng chấm với món kho quẹt hay nấu canh với mớ hến xúc dưới rạch gần nhà, tôi mới hiểu hết lời má. Cái ngon của rau không phải từ đạm hay vị mà là từ cái tình. Cái tình của người quê gom từng cọng rau lấm lem đất mà nấu nên những bữa cơm đầy ắp thương yêu.
Rau tập tàng gắn liền với ký ức nghèo khó của xóm nhỏ, ở miền Tây quê tôi. Có lần, má tôi vừa lặt mớ rau sau hè vừa nói: “Cái rau này nuôi ngoại, nuôi má hồi mấy năm đói khổ, chiến tranh ác liệt, không có nó, chắc đói hết”. Hồi đó, ông ngoại tôi đi theo kháng chiến, bà ngoại một mình nuôi mẹ và dì tôi. Tần tảo sớm hôm, lúa gạo lúc có, lúc không. Những bữa cơm độn khoai đã trở thành quen thuộc. Ba má đã quen với lối sống “Đói ăn rau, đau uống thuốc”, với những bữa cơm thiếu thịt cá. Nghe má kể, tôi hiểu, rau tập tàng không chỉ là món ăn mà là cái dây neo giữ người miền Tây không bị trôi giữa những ngày khốn khó. Rau tập tàng cũng đa dạng theo từng mùa. Mùa nắng, có rau má, rau sam, rau càng cua lá nhỏ mà mướt, vị mát như nước mưa đầu mùa. Mùa nước nổi, người quê lại đi hái bông súng tím, rau dừa non, lục bình trổ búp trên cánh đồng ngập nước mênh mông. Gặp khi nước ròng, con rạch trơ đáy, là lúc rau đắng đất mọc chen giữa sình, ăn đắng đầu lưỡi mà hậu ngọt còn mãi. Ngày mưa mà làm nồi cháo cá lóc đồng với rau đắng đất này thì phải nói là hết sẩy!
Ngày nay, giữa phố xá phồn hoa, tôi bắt gặp rau tập tàng trong mấy quán ăn, nhà hàng “ẩm thực đồng quê”. Có khi thấy cả gói rau đắng hay mớ dền cơm được đóng túi gọn ghẽ trong siêu thị. Thấy mà thương. Rau dại bây giờ không còn là thứ rau “chống đói” nữa. Nó đã hóa thành đặc sản. Người ta ví rau tập tàng như “Lọ Lem lên phố”, giản dị, chẳng phấn son nhưng vẫn giữ được nét duyên riêng. Ăn một miếng rau, người xa quê như được trở về cánh đồng chiều cũ, nơi tiếng ếch nhái vang rền sau cơn mưa, tiếng dế gáy rỉ rả giữa đêm khuya vắng. Cái âm thanh mộc mạc ấy len vào ký ức, gợi lại mái chòi khuất giữa ruộng đồng, nơi gió thổi lồng lộng và tuổi thơ từng nằm ngắm trăng sáng rọi qua kẽ lá. Dẫu chỉ là đĩa rau luộc chan nước cá kho hay quẹt miếng kho quẹt mặn mòi nhưng sao mà ngon hơn ngàn lần cao lương mỹ vị.
Rau tập tàng, thứ rau chẳng có giá trên sạp, chẳng cần quảng cáo nhưng đi xa ai cũng nhớ. Nó là mùi quê, là bóng dáng má ngồi lưng khom bên bếp lửa, là cái nghèo không làm người ta khổ mà làm người ta thương nhau hơn. Giữa dòng đời tất bật, đôi khi chỉ một tô canh rau dại nơi phố thị cũng đủ làm lắng lại cả một ngày chộn rộn. Tôi tin, chừng nào còn con rạch với dòng phù sa luồn lách qua những hàng dừa nước, còn lối nhỏ dẫn ra cánh đồng xanh bát ngát, thì nắm rau tập tàng vẫn còn đó, như một phần hồn quê không thể tách rời khỏi ký ức người miền Tây./.