.jpg)
Luật Giao thông đường thủy nội địa là một trong những nội dung đầu tiên được các Thuyền trưởng huấn luyện kỹ càng cho các quân nhân mới được biên chế về đơn vị. Bởi các quy định về tín hiệu, âm hiệu giao thông đường thủy chính là kiến thức nền tảng, vận dụng thường xuyên trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ trên tàu. Thượng úy Nguyễn Thế Giang, Thuyền trưởng Tàu 18-42-56, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 cho biết: “Khi tàu hoạt động trên sông, trên biển yêu cầu từng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ phải nắm rõ tín hiệu, âm hiệu, cờ hiệu để bảo đảm an toàn cho người và vũ khí, phương tiện trên tàu”.
Cùng với nắm vững Luật giao thông đường thủy, việc thường xuyên huấn luyện bổ sung về tính năng kỹ thuật, phương pháp vận hành ca nô cũng được chỉ huy đơn vị đặc biệt quan tâm. “Thực hiện Ngày Kỹ thuật hàng tuần, chúng tôi lồng ghép bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên chuyên môn về tính năng kỹ thuật ca nô; qua đó, không chỉ nâng cao trình độ khai thác mà còn giúp kíp tàu củng cố kiến thức, nắm vững trường hợp khi điều động phương tiện như khi trực cứu hộ, cứu nạn hoặc đến khi cập cảng độ sâu không cho phép, phải sử dụng ca nô vận chuyển người và hàng hóa vào bờ”, Thiếu tá Lê Trung Ý, Thuyền trưởng Tàu 18-43-97, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 962 cho biết. Chia sẻ thêm về kinh nghiệm vận hành ca nô, Đại úy Nguyễn Trầm Sa, Nhân viên cơ khí boong, Tàu 18-43-97, Tiểu đoàn 1, nói: “Trước khi khởi hành, tôi kiểm tra các thiết bị máy móc, hệ thống thông tin, định vị để chủ động liên hệ, báo cáo với chỉ huy tàu khi có tình huống. Ngoài ra, cũng tích lũy kinh nghiệm điều khiển ca nô giữ khoảng cách an toàn, nhất là khắc phục những ảnh hưởng do sóng, gió, dòng chảy trên sông”.

Huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu gắn với yêu cầu làm chủ phương tiện kỹ thuật hiện đại là mục tiêu hàng đầu của các đơn vị tàu tuần tiễu của Lữ đoàn 962. Ngoài các chuyên ngành Hàng hải, Cơ điện, Súng pháo, đơn vị còn xác định những nội dung trọng tâm, trọng điểm phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ và biên chế trang bị kỹ thuật. Đại úy Nguyễn Việt Bắc, Phó Thuyền trưởng Tàu 18-43-97, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 962 cho biết thêm: “Đơn vị xác định phương châm huấn luyện để anh em “giỏi ngành mình, biết ngành khác”, sẵn sàng thay thế khi có tình huống. Huấn luyện sát tình huống và biết đánh giá tình huống, triển khai biện pháp xử lý cụ thể để nâng cao khả năng lái tàu trong điều kiện sóng gió, qua các luồng thủy hẹp; rèn bản lĩnh, tâm lý vững vàng cho đội ngũ nhân viên hàng hải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.
Để có bản lĩnh, tâm lý vững vàng, quyết đoán trong từng thao tác, đội ngũ nhân viên hàng hải phải không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn; phối hợp nhịp nhàng các bộ phận trong suốt hành trình. Với Thượng úy Nguyễn Văn Giữ, hơn 8 năm gắn bó với nghề thủy thủ, sau mỗi chuyến công tác anh đúc kết thêm bài học kinh nghiệm. “Quan trọng nhất là các chuyến công tác phục vụ diễn tập, bắn đạn thật trên biển, yêu cầu lái tàu nắm chắc ý định của thuyền trưởng, điều khiển đúng tốc độ, khoảng cách trong đội hình. Khi qua các vùng biển động, thời tiết mưa bão phải bình tĩnh giữ vững tay lái, phối hợp điều động tàu đúng hải trình đã xác định, bảo đảm an toàn”, Thượng úy Nguyễn Văn Giữ, Nhân viên Hàng hải, Tàu 18-43-97, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 962 chia sẻ.
Để chuẩn bị cho mỗi chuyến hành trình dài ngày, công tác nghiên cứu hải đồ được Ban Chỉ huy tàu tiến hành thận trọng, tính toán chi tiết; nắm chắc thông tin cảng biển, tuyến hàng hải và dự kiến nhiều phương án xử lý. Bởi, quá trình cơ động trên biển luôn đối mặt các yếu tố ảnh hưởng do địa hình, thủy văn, thời tiết. “Trên hải đồ tác nghiệp, chúng tôi phải xác định được các chướng ngại hàng hải, thứ hai là các bãi cạn, thứ ba là xác định luồng lạch để bảo đảm quá trình cơ động đúng hải trình. Đây cũng là cơ sở để đơn vị xây dựng kế hoạch đi biển, báo cáo cấp trên phê duyệt tuyến hành trình”, Thiếu tá Lê Trung Ý cho biết thêm.
Cùng với đó, công tác kiểm tra cơ số vật chất hậu cần, bảo đảm tình trạng kỹ thuật tàu thuyền cũng được chuẩn bị chu đáo trước khi rời cảng, nhất là khu vực buồng máy, nơi được ví như “trái tim” của con tàu. Đại úy Ngô Quốc Toàn, Nhân viên Máy tàu, Tàu 18-43-97 chia sẻ: “Trước mỗi chuyến đi biển dài ngày, chúng tôi kiểm tra đồng bộ, bảo dưỡng các hệ thống TBKT; trong đó, hệ thống bôi trơn và làm mát là quan trọng nhất. Nếu 2 hệ thống này không đạt yêu cầu thì động cơ sẽ xảy ra sự cố ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ”.
“Vững chuyên môn, chắc hành trình”, “Quyết tâm giữ bình yên sông nước”, đó không chỉ là khẩu hiệu hành động mà còn là tinh thần chung của các kíp tàu Lữ đoàn 962 mỗi lần xuất bến; trong đó có sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật góp phần cùng đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.