Tấm lòng chú Hên
Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, địa hình, địa giới hành chính có nhiều thay đổi, nguồn thông tin về trận đánh, nơi chôn cất liệt sĩ càng ít dần. Trong hành trình tìm kiếm, quy tập HCLS trong nước và trên đất Bạn Campuchia, có lẽ điều khó nhất không phải là đào tìm, mà là lục lại ký ức, chắp nối thông tin mơ hồ để triển khai nhiệm vụ tìm kiếm. Những ngày đầu tháng 7, khi cả nước hướng về kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng tôi nhận được thông tin từ Đại tá Nguyễn Trung Tuyến, Chủ tịch Hội CCB phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (nguyên Chính trị viên Đội K91, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp). Ông Tuyến kể: “Tại huyện Kpong Tà Bét, tỉnh Pray Veng, Campuchia, nơi Đội K91 đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và quy tập HCLS có một người luôn sát cánh cùng Đội là ông Lê Phước Hưng, 80 tuổi, quê gốc huyện Hồng Ngự cũ; nhập ngũ năm 1968, xuất ngũ 1976, đơn vị: Hậu cần Quân khu 9 (lúc mới sáp nhập Quân khu 8, 9). Người bản địa thường gọi là chú Hên”.

Đồng hành cùng Đội K91 từ đầu những năm 2000, chú Hên tích cực hỗ trợ đơn vị tìm kiếm, thu thập thông tin, xác minh từng dấu tích thậm chí là những câu chuyện được truyền miệng về nơi bộ đội Việt Nam hy sinh. Chú Hên tâm sự: “Từng chiến đấu cùng anh em nên tôi hiểu thế nào là sự hy sinh của một người lính. Giờ đây, còn sống là còn có trách nhiệm đưa đồng đội về với quê hương”. Câu nói giản dị ấy chứa đựng cả tấm lòng của một CCB sống nghĩa tình với đồng đội.
Đối với cán bộ, chiến sĩ Đội K91, chú Hên không chỉ là người cung cấp nhiều thông tin quý giá, mà còn là người thân, là chỗ dựa tinh thần. Những lần phát hiện HCLS, dù giữa trưa nắng gắt, chú vẫn lặng lẽ đứng chờ đến khi phần mộ cuối cùng được quy tập, có những hài cốt bị rễ cây xuyên vào, chú nghẹn ngào rơi nước mắt. Thượng tá Võ Thành Dẫn, Đội trưởng Đội K91, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Hơn 20 năm qua, chú Hên cùng chúng tôi tìm được trên 300 HCLS. Chú không nhận bất kỳ khoản bồi dưỡng nào mà ngược lại mỗi khi Đội sang công tác, chú lại chuẩn bị ít quà cho anh em như người thân trong gia đình”.
Ký ức vô giá
Chúng tôi có dịp theo chân ông Lê Quốc Việt, nguyên cán bộ Sở LĐ&TBXH tỉnh Kiên Giang (cũ). Năm nay đã 70 tuổi, ông nhiều lần cất công đi tìm mộ phần người anh trai - Liệt sĩ Lê Công Đoàn, hy sinh năm 1958 tại huyện Vĩnh Thuận (nay thuộc xã Vĩnh Hòa, tỉnh An Giang). Theo ký ức của ông và nhiều lão nông sở tại, ngày đó hơn 08 cán bộ, chiến sĩ Tỉnh đoàn Rạch Giá hy sinh khi làm nhiệm vụ và được bà con an táng ở Nghĩa trang Sân Gạch nay đã trở thành khuôn viên Trường THPT Vĩnh Hòa, xung quanh nhà cửa mọc san sát. Trên bản đồ hành chính mới, không còn tên “Sân Gạch”. Ông Việt, chỉ tay về phía rặng tràm ven sông nói khẽ: “Chỗ đó ngày xưa là bờ nghĩa trang, bây giờ là bờ kè chống sạt lở. Ngày trước, Nhân dân thông tin chôn cất bộ đội gần mé mương, nhưng lâu quá rồi, thay đổi hết”.
Hiểu rõ về nghĩa trang Sân Gạch và từng cùng đồng đội xác định vị trí quy tập được 09 bộ HCLS vào năm 2021, Đại tá Hồ Văn Đấu, Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Phong, tỉnh An Giang, (nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang, nguyên Chính trị viên Đội K92) cho biết: “Nghĩa trang Sân Gạch trước đây từng là điểm giằng co giữa ta và địch. Khi địch phá nghĩa trang để lập đồn, dưới lòng đất còn rất nhiều hài cốt của bộ đội và Nhân dân ta. Đến giải phóng, những dấu tích nghĩa trang cũ dần phai nhạt vì công trình của địch, sau đó ta trưng dụng xây trường học. Đến năm 2021, tôi và đồng đội xác định vị trí và quy tập được 09 HCLS nhưng chưa xác định danh tính”.

Xuôi dòng Chắc Băng, chúng tôi về Cà Mau gặp Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Văn Kiệm, Trưởng Ban Liên lạc Trung đoàn 10, ngụ phường Tân Thành, tỉnh Cà Mau. Trong tập hồ sơ viết tay nét chữ lem màu, ông Kiệm lần tìm thông tin về đồng đội cũ, đây cũng là cách ông đã giúp nhiều gia đình tìm mộ liệt sĩ nhưng cũng không ít trường hợp chưa thể xác định vì nhiều nguyên nhân. “Như trường hợp chiến sĩ Nguyễn Văn Tân, quê tỉnh Ninh Bình hy sinh trong trong trận đánh Chi khu Thới Bình năm 1972. Thời điểm đó, đơn vị đã tìm kiếm nhưng vẫn không được. Thân nhân liệt sĩ cũng nhiều lần vào Cà Mau cùng tôi đi tìm nhưng vẫn chưa có kết quả”, ông Kiệm trầm giọng.
Nhắc về trường hợp Liệt sĩ Nguyễn Viết Cảnh, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 10, ông Kiệm hồi tưởng: “Trận đánh Chi khu Thới Bình, tôi bị thương nặng, anh Cảnh đến gần định đưa tôi ra khỏi trận địa nhưng vì tôi bị thương cũng khá nặng, nên anh ra trước, để tôi nằm lại nơi an toàn chờ đồng đội trở vào. Sau này tôi mới hay, anh Cảnh vừa ra khỏi hàng rào Chi khu thì bị trúng đạn hy sinh, mộ bia ghi đầy đủ thông tin”. Trường hợp Liệt sĩ Nguyễn Viết Cảnh là một trong rất ít liệt sĩ Trung đoàn 10 hy sinh tại Cà Mau còn rõ danh tính cho đến ngày được đưa về quê Đại Từ, Thái Nguyên (cũ).
Phần lớn những người có thể cung cấp thông tin về HCLS nay đã ngoài 70 tuổi, nhiều người trí nhớ suy giảm. Song theo thời gian, địa hình có thay đổi, trí nhớ có khi không cụ thể, chính xác nhưng nhờ tấm lòng của chú Hên, ông Đấu, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Văn Kiệm mà Ban Chỉ đạo 515 địa phương và 4 Đội Chuyên trách của Quân khu thu hẹp phạm vi, lập sơ đồ khu vực đào tìm với niềm tin mạnh mẽ sớm đưa các Anh hùng liệt sĩ về truy điệu, an táng chu toàn./.
Bài 2: Trao gởi niềm tin